Bài 2: Thống nhất nhận thức, định hướng kịp thời hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng

Thứ tư - 23/10/2024 09:41 20 0
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh Đảng ta tập trung chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp tiến đến Đại hội XIV của Đảng, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, đặc biệt là 4 nội dung đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đã góp phần thống nhất nhận thức, kịp thời đáp ứng yêu cầu của các tổ chức đảng và có giá trị định hướng hoạt động cho cấp ủy, tổ chức đảng trong giai đoạn hiện nay.
Bài 2: Thống nhất nhận thức, định hướng kịp thời hoạt động của cấp ủy, tổ chức đảng
Các đại biểu khách mời trao đổi tại chương trình. 

Khi đặt vấn đề Đảng lãnh đạo nhưng không bao biện, làm thay, một trong những tồn tại trong phương thức lãnh đạo của Đảng vừa qua là tình trạng cơ quan Đảng đã làm nhiều việc mà lẽ ra, chỉ thuộc chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước. Thực tế này cần phải thay đổi, để các cơ quan trong cả hệ thống chính trị làm “đúng vai, thuộc bài” của mình. Với việc xác định 4 nội dung đổi mới, bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã xây dựng được hệ thống các giải pháp toàn diện, vừa xác định được nhiệm vụ bao trùm, tổng quát vừa chỉ ra nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, cụ thể để triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả... Đó cũng chính là nội dung tiếp tục trao đổi của chúng tôi với hai vị khách mời:

- PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng các cơ quan Đảng Trung ương.

- TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.  

Phóng viên (PV): Trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó có thể kể đến một số vấn đề như là mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Các vị khách mời có suy nghĩ như thế nào?

PGS.TS Vũ Văn Phúc: Trước hết chúng ta phải khẳng định là quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, Đảng ta đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu thế này: Mô hình tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước còn bất cập, dẫn đến không phân biệt rạch ròi được sự lãnh đạo của Đảng với sự quản lý điều hành của Nhà nước. Do đó cần phải tiếp tục hoàn thiện bộ máy của Đảng thực sự là cơ quan tham lưu chiến lược, là bộ máy lãnh đạo của Đảng, còn bộ máy của cơ quan nhà nước là cơ quan điều hành, quản lý đất nước và xã hội.

Hạn chế nữa đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nêu là việc phân cấp, phân quyền chưa thực sự mạnh mẽ. Trên thực tế, Trung ương vẫn còn ôm đồm nhiều việc và chưa dám mạnh dạn phân cấp xuống các địa phương, phân cấp xuống các bộ, ngành.

Thời gian qua chúng ta thấy, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là những người đứng đầu chưa thực sự nêu gương, chưa tiên phong, gương mẫu và cũng chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Rồi việc thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật, cơ chế, chính sách của Nhà nước cũng chưa thực sự đồng bộ, vẫn còn có sự chồng chéo.

Nhiều hạn chế mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu trong bài viết, chúng tôi thấy là cần phải nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá để tìm ra nguyên nhân, trên cơ sở đó tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phương thức cầm quyền của Đảng và sức chiến đấu của Đảng, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi rất cao của sự nghiệp cách mạng nước ta trong thời gian tới.

 

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Tôi chỉ muốn bổ sung thêm mấy ý. Điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh tôi cho rất quan trọng, đó là Đảng không làm thay. Tổng Bí thư cũng nêu và Đảng mình cũng nhận ra rồi, đó là phân cấp, phân quyền. Vấn đề là phân cấp, phân quyền như thế nào, theo mô hình nào là vẫn không rõ.

Bây giờ chúng ta nói phân cấp, phân quyền nhưng mà trên thế giới có 4 mô hình về phân cấp, phân quyền. Thực chất chúng ta theo 2 mô hình. Mô hình song trùng giám sát (mô hình của Pháp) đã tồn tại 100 năm ở nước mình rồi. Mô hình song trùng trực thuộc (mô hình của Xô Viết) thì đang tồn tại ở mình. Bây giờ mình phân cấp, phân quyền theo mô hình khác thì còn 2 mô hình nữa. Mô hình điều chỉnh, (mô hình của Anh, Mỹ). Cái gì phân cho Trung ương thì không phân cho địa phương. Cái gì phân cho địa phương thì không phân cho Trung ương.

Và mô hình bổ trợ. Cái gì địa phương làm được thì phân hết cho địa phương. Cái gì địa phương cấp này không làm được thì chuyển lên cho cấp trên. Cấp trên đó làm được thì phân hết cho cấp đó. Chỉ có cái gì mà cấp đó không làm được thì phải phân lên cho Trung ương. Chúng ta nên chọn phương án mà Trung ương vẫn làm những việc cao nhất. Chẳng hạn là an ninh quốc gia, chẳng hạn quốc phòng là những việc của Trung ương. Chúng ta muốn phân cấp, phân quyền được thì phải rõ chủ thuyết, lý thuyết chúng ta chọn là cái gì? Chứ còn nói là Hà Nội xin một ít, cho một ít; thành phố Hồ Chí Minh xin một ít, cho một ít; Nghệ An xin một ít, cho một ít… thì rõ ràng là không theo một khuôn khổ lý thuyết. Và như vậy phân cấp, phân quyền là rất khó. 

Có một vấn đề rất lớn nữa là có mấy cấp hành chính và mấy cấp chính quyền. Thế giới có 3 cấp chính quyền. Trung ương này, cấp ở giữa và cấp địa phương. Đó là phân cấp phân quyền, đó là phân quyền của mô hình gần như toàn bộ thế giới, chỉ trừ những nước theo mô hình xã hội chủ nghĩa Xô Viết trước đây thôi.

Hiến pháp 1946 có 3 cấp chính quyền: Cấp Trung ương, cấp tỉnh và cấp xã. Thế nhưng mà cấp hành chính thì lại có 5 cấp. Bây giờ chúng ta đang có bốn cấp chính quyền. Nhưng cấp vùng không rõ nên không điều phối vùng được.

Hiến pháp năm 1946 phân nước ta thành 5 cấp hành chính: Cấp Trung ương; cấp bộ (Bắc Bộ, Nam Bộ, Trung Bộ); cấp tỉnh; cấp huyện và cấp xã. Cấp bộ và cấp huyện là cấp hành chính, không phải là cấp chính quyền. Cấp bộ đại diện cho các tỉnh, còn cấp huyện đại diện cho các xã. Thế thì bây giờ chúng ta nếu mà trở lại phân cấp, phân quyền thì phải tính. Để điều chỉnh giữa các vùng thì chúng ta có học tập Hiến pháp 1946 để các vùng là điểm đến hành chính đại diện cho các tỉnh không? Như vậy, nước ta sẽ có 5 cấp hành chính, 3 cấp chính quyền.

Bây giờ nếu chúng ta muốn các cấp chính quyền như Hiến pháp 1946 thì cấp bộ là khó. Nhưng chúng ta có 7 vùng kinh tế thì có thể là có cấp vùng. Chẳng hạn đại diện cho vùng Thủ đô ở đây có mấy tỉnh. Cấp vùng là như vậy. Thì đấy là những vấn đề mà phân cấp, phân quyền chúng ta phải nghiên cứu.

PV: Những bất cập, hạn chế bài viết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chỉ ra đã ảnh hưởng như thế nào đến năng lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cũng như là ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến uy tín của Đảng, niềm tin của Nhân dân, thưa PGS.TS Vũ Văn Phúc?

PGS.TS Vũ Văn Phúc: Những hạn chế, tồn tại mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu trong bài viết ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chúng ta thấy là nhiều cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý đã không làm theo những nghị quyết, chủ trương của Đảng, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, cho nên hình thành những doanh nghiệp sân sau, lợi ích nhóm; thậm chí chúng tôi còn dùng từ là chủ nghĩa tư bản thân hữu, dẫn đến tham ô, tham nhũng, tiêu cực.

Tôi chỉ lấy ví dụ gần đây: Chúng ta thấy chỉ có một đoạn đường từ Tuyên Quang - Hà Giang thôi nhưng mà đầu Tuyên Quang tham nhũng, tiêu cực, đầu Hà Giang cũng tham nhũng, tiêu cực và những cái đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nó lại dẫn đến một chiều cạnh khác. Đó là hiện nay nhiều cán bộ của chúng ta sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, không dám làm. Cho nên là phát triển kinh tế - xã hội chưa đúng với tiềm năng, tiềm lực của đất nước. Gần đây, chúng ta tổng kết đầu tư công hiện nay cũng chưa đạt được yêu cầu.

PGS.TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng các cơ quan Đảng Trung ương. 

Và tất cả những điều đó làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, với sự quản lý, điều hành của nhà nước. Chính vì vậy mà trong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã yêu cầu là gì? Là phải thống nhất nhận thức và thực hiện nghiêm việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng để tiếp tục đưa cách mạng Việt Nam tiến lên trong giai đoạn cách mạng mới.

PV: Trong bài viết Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm không chỉ xác định, đổi mới toàn diện phương thức lãnh đạo của Đảng mà đồng thời nhấn mạnh đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng, chỉ ra sự khác nhau giữa quyền lực của Đảng cầm quyền và quyền lực Nhà nước. Đây là những nội dung rất mới chưa được đề cập tới trong các văn kiện của Đảng. Các vị khách mời có nhìn nhận như thế nào?

PGS.TS Vũ Văn Phúc: Chúng tôi cho rằng, thông điệp chính trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chính là 4 công tác trọng tâm trong thời gian tới chúng ta phải thực hiện. Theo chúng tôi, 4 công tác trọng tâm này chúng ta thực hiện tốt thì sẽ đổi mới được mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng để Đảng thực sự là người cầm lái vĩ đại đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn, thử thách trong thời gian tới, để đi đến thắng lợi, nhất là đến đích đầu tiên là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu là trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này thì chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ chuyển đổi số, hình thành chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số, rồi chuyển sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Những điều đó là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Và trên thực tế chúng ta thấy thế này: Nếu đất nước ta không tranh thủ chớp lấy thời cơ, cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đem lại thì chúng ta bỏ lỡ cơ hội để phát triển đất nước trong điều kiện hiện nay.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Lãnh đạo là phải có kiểm tra, giám sát, cho nên phải tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phân cấp, phân quyền. Lần này tôi thấy đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn rất mạnh việc phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương, cho ngành, cho lĩnh vực. Nhưng mà đồng thời phải chịu trách nhiệm và phải kiểm soát quyền lực đó.

Chúng tôi cho rằng, 4 công tác trọng tâm mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu trong bài viết của mình là hết sức đúng đắn và chúng ta cần phải quán triệt sâu sắc trong toàn Đảng, toàn dân và phải hành động quyết liệt trong thực tiễn để biến 4 công tác trọng tâm này thành kết quả hiện thực trong thực tiễn thì cách mạng của chúng ta sẽ tiến lên trong thời gian tới.

PV: TS Nguyễn Sỹ Dũng thì suy nghĩ như thế nào về 4 công tác trọng tâm trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập trong bài viết? Và theo ông thì đâu sẽ là giải pháp trọng tâm mà chúng ta cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới?

TS Nguyễn Sỹ Dũng: Lần đầu tiên tôi thấy Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nói rất rõ phân định chức năng để Đảng không làm thay Nhà nước. Phân định vẫn phải bảo đảm sự điều hành của Đảng. Quyền lực của Đảng là quyền lực về chính trị, tức là định hướng, ban hành chính sách, chiến lược... Còn thực thi, thể chế hóa bên dưới là của Nhà nước. Nếu phân định được như vậy sẽ rất rõ, cần thiết và chúng ta phải làm rất rõ mới phân định ra được. Tôi thấy Tổng Bí thư nêu rất rõ, thực chất là phải đổi mới cách ban hành nghị quyết của Đảng, bởi vì rất nhiều vấn đề nó chung chung. Thực chất chung chung thì thể chế hóa sẽ rất khó.

TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.   

Tôi lấy ví dụ về Nghị quyết thu hút và trọng dụng người tài là một định hướng chính sách. Vấn đề đã rõ nhưng thể chế hóa thế nào? Có trả lương cho họ gấp 10 lần không? Những người tài giỏi như thế này thì sẽ trả lương gấp 10 lần. Nếu mà định hướng chính sách rõ hơn như vậy thì Nhà nước sẽ rất dễ triển khai.... Do đó cần ban hành nghị quyết để chính sách tương đối rõ. Định hướng đó bắt buộc các cơ quan tham mưu của Đảng làm việc vào những vấn đề sâu hơn, đòi hỏi kiến thức nhiều hơn. Khi nói đến chính sách thì phải hiểu tác động của chính sách là thế nào thì lúc ấy mới nói vào sâu về chính sách. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát nhưng trên cơ sở là số hóa và sử dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình đó thì kết quả không thể sai lệch được.

PV: PGS.TS Vũ Văn Phúc có suy nghĩ như thế nào về 4 công tác trọng tâm trong đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập trong bài viết. Và đâu là giải pháp trọng tâm chúng ta cần tập trung thực hiện?

PGS.TS Vũ Văn Phúc: Tôi cũng nghĩ rằng 4 công tác trọng tâm này đều là quan trọng cả nhưng có lẽ công tác thứ nhất theo tôi là cần phải tập trung thực hiện nhất, tức là trong toàn Đảng, từng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên phải thống nhất nhận thức và thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo của Đảng để tránh được 2 khuynh hướng như là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu là không bao biện, làm thay. Lãnh đạo là lãnh đạo, còn quản lý điều hành là quản lý điều hành. Và khuynh hướng thứ 2 cũng cần phải tránh là buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Công việc của ai người ấy làm, nhưng nếu không phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Đảng để nó đi ra nhiều chiều, nhiều hướng khác nhau thì cũng trở thành rất nguy hiểm. Cho nên theo tôi, trong 4 công tác trọng tâm mà đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu thì đều rất là quan trọng nhưng công tác thứ nhất là quan trọng nhất và cần phải tập trung chỉ đạo, thực hiện ngay trong thời gian tới, nhất là từ nay đến Đại hội XIV. Điều này phải quán triệt vào trong Văn kiện Đại hội XIV để tiếp tục thực hiện trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng./.


Nhóm PV

Tác giả: Quản trị

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay1,756
  • Tháng hiện tại28,822
  • Tổng lượt truy cập1,978,967
hộp thư điện tử
chào mừng đại biểu đại hội
Quân đội nhân dân
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
lịch công tác
hệ thống tiếp nhận trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
cổng thông tin điện tử tỉnh
hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân
chung tay cải cách thủ tục hành chính
văn bản chỉ đạo điều hành
bộ ngoại giao
cơ quan đại diện ngoại giao
hỏi đáp
dịch vụ công trực tuyến
cơ sở dữ liệu quốc gia
công báo tây ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây