Thực hiện âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực kinh tế, những năm gần đây, đặc biệt là từ sau Đại hội XIII của Đảng đến nay, các thế lực thù địch, phản động ra sức tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước; phủ nhận những thành quả của đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tác động làm thay đổi đường lối, chính sách kinh tế, kích động các hoạt động cản trở, chống lại việc thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước.
L
ợi dụng những hạn chế của nền kinh tế Việt Nam và việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, một số cá nhân, tổ chức ở trong, ngoài nước đã đăng tải trên Internet, mạng xã hội những luận điệu suy diễn, xuyên tạc. Mưu đồ đằng sau những luận điệu này không gì khác là gây tâm lý hoài nghi, phân tâm trong xã hội, hướng tới làm chệch định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế thị trường ở nước ta.
Bên cạnh đó, các đối tượng cố tình xuyên tạc cho rằng, mô hình kinh tế thị trường gắn liền với chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN), không có thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là những yếu tố đối lập nhau, loại trừ nhau; gán ghép định hướng XHCN với kinh tế thị trường là chủ quan, duy ý chí, không có cơ sở khoa học, không thuyết phục, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn…
Các thế lực thù địch đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc về nền kinh tế Việt Nam |
Có đối tượng thì cố tình đưa ra những luận điệu xuyên tạc, đả kích vai trò, phương thức quản lý, điều hành nền kinh tế của Nhà nước. Những người này cho rằng, các cơ quan quản lý không đủ năng lực, trình độ, đang sử dụng quyền lực nhà nước để can thiệp vào các hoạt động kinh tế một cách trái quy luật, làm cản trở phát triển kinh tế hoặc bóp méo thị trường nhằm trục lợi. Từ đó, họ cho rằng, phải có sự chuyển hướng, “xoay trục” phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam theo nền kinh tế thị trường TBCN. Thậm chí, có đối tượng còn ngang nhiên xuyên tạc rằng, dường như Việt Nam đang “xoay trục” sang phát triển kinh tế thị trường theo hướng TBCN bằng việc khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân, tăng sự điều tiết của thị trường.
Một số đối tượng khác lại tìm cách khoét sâu, thổi phồng những hạn chế, bất cập của nền kinh tế và những sai phạm, thiếu sót của các cá nhân, tổ chức trong các vụ án về kinh tế xảy ra ở một số bộ, ngành, địa phương để quy kết, nguyên nhân là do lỗi hệ thống, muốn khắc phục phải thay đổi thể chế kinh tế. Thậm chí, những người này còn cố tình xuyên tạc rằng, cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng đang làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế, chống tham nhũng đang khiến cho nhiều giao dịch kinh tế bị tê liệt, có thể ảnh hưởng xấu đến đầu tư trực tiếp nước ngoài, giảm xuất khẩu.
Đặc biệt, sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường ở Việt Nam, các đối tượng đã cố tình xuyên tạc, vu cáo cho rằng, nguyên nhân Hoa Kỳ từ chối nâng cấp Việt Nam lên nền kinh tế thị trường là do “nhà nước Việt Nam vẫn can thiệp sâu vào mọi khía cạnh của nền kinh tế”; “nền kinh tế Việt Nam đang không vận hành theo quy luật thị trường mà nằm dưới sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Việt Nam”.
Không những vậy, một số cá nhân, tổ chức ở bên ngoài còn tổ chức livestream dưới dạng “hội luận” với thành phần tham gia được gắn mác “chuyên gia”, “luật sư”, “tiến sĩ”… Mục đích không gì khác là bôi đen, đả phá nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, cổ xúy việc Hoa Kỳ chưa công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Một số phần tử phản động ở bên ngoài nhân cơ hội này đưa ra các luận điệu kiểu như “độc tài thì làm gì có cơ chế kinh tế thị trường”, “muốn có kinh tế thị trường phải có đa nguyên, đa đảng”…
Đây rõ ràng là những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc nhằm thực hiện mưu đồ đen tối, gây tâm lý hoài nghi, dao động, mất niềm tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân với Đảng, Nhà nước, làm ảnh hưởng xấu đến sự thống nhất nhận thức, tư tưởng trong Đảng và trong xã hội. Đồng thời, làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên… Càng nguy hiểm hơn khi những luận điệu trên lại được núp bóng những “kiến nghị”, “góp ý”, “ý kiến tâm huyết” và được các đối tượng đăng tải, chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Snapchat, TikTok… theo các tuyến bài với tần suất liên tục.
Lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người chứng minh kinh tế thị trường không phải là sản phẩm riêng có của CNTB, đó là thành tựu phát triển cao của nền văn minh nhân loại, không thể và cũng chưa bao giờ là độc quyền của CNTB. Điều đó đồng nghĩa với việc, các nước XHCN, trong đó có Việt Nam có thể sử dụng mô hình kinh tế này để thúc đẩy kinh tế - xã hội theo những nguyên tắc, mục đích riêng phù hợp với điều kiện của quốc gia.
Phát triển kinh tế thị trường trong thời kỳ quá độ, Đảng, Nhà nước ta chủ trương xây dựng quan hệ sản xuất nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế phù hợp trình độ không đồng đều của lực lượng sản xuất, nhằm huy động tối đa sức mạnh của mọi thành phần kinh tế, mọi giai tầng xã hội vào phát triển kinh tế, bảo đảm kinh tế phát triển nhanh, bền vững. Cùng với phát triển kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, Đảng, Nhà nước ta xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm để tạo đà cho sự phát triển chung của nền kinh tế.
Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế năng động và có triển vọng của khu vực và thế giới. |
Qua gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng 40 - 43% GDP; thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế, tỉ lệ đóng góp thu nhập doanh nghiệp chiếm khoảng 34,1%; hiệu quả sử dụng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân cao hơn 1,2 lần so với mức bình quân của nền kinh tế và hơn 1,9 lần so với khu vực nhà nước… Đến năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân có khoảng 90.000 doanh nghiệp hoạt động.
Mặc dù coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng, nhưng kinh tế nhà nước mới là thành phần giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế (trong đó có kinh tế tư nhân) theo định hướng XHCN, khắc phục các khuyết tật của cơ chế thị trường, bảo đảm tăng trưởng kinh tế gắn liền với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.
Những năm qua, xuất phát từ thực tế một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, Đảng, Nhà nước ta đang chủ trương cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nhằm huy động vốn đầu tư. Qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý và hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, góp phần xây dựng thành phần kinh tế nhà nước phát triển vững mạnh.
Thực tế cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp nhà nước sau khi cổ phần hóa đều có tốc độ tăng trưởng cao hơn, hoạt động hiệu quả hơn. Điển hình như, Vinamilk sau khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, quy mô tài sản liên tục gia tăng, khả năng tự chủ tài chính được cải thiện. Tính đến hết năm 2023, Vinamilk đã xuất khẩu đến gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 5.000 tỉ đồng. Bởi vậy, không thể nói rằng, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là “tư nhân hóa” nền kinh tế quốc dân, là Việt Nam đang “xoay trục”, “chuyển hướng” sang phát triển kinh tế thị trường định hướng TBCN.
Thực tiễn việc tổ chức thực hiện đường lối đổi mới gần 40 năm qua ở Việt Nam đã đem lại những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Việt Nam đã ra khỏi tình trạng kinh tế kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Quy mô và tiềm lực kinh tế của đất nước không ngừng tăng lên, từ chỗ chỉ đạt 4,5 tỉ USD vào năm 1986, thì đến năm 2023 đã đạt 430 tỉ USD, đứng thứ 35 thế giới. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người trong những năm đầu đổi mới chỉ khoảng 250 USD/năm, thì đến năm 2023 đã đạt 4.284 USD, đứng thứ năm trong ASEAN.
Sinh thời, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định: Công tác đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực đã trở thành xu thế không thể đảo ngược; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm nản chí, chùn bước, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm” và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu bản lĩnh, thiếu kiến thức và kinh nghiệm.
Thực tế cho thấy, cuộc chiến tham nhũng đi vào thực chất, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã và đang nhận được sự đồng tình, ủng hộ tích cực từ người dân và tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Điều đó được thể hiện ở chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam tăng 40 bậc, từ xếp thứ 123 vào năm 2012 lên thứ 83/180 quốc gia và vùng lãnh thổ vào năm 2023.
Trong khi đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh từ 58% năm 1993 xuống dưới 3% năm 2020 theo chuẩn nghèo đa chiều, được Liên hợp quốc xếp là một trong những nước đứng đầu trong thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều cả nước còn 2,93%. Tỉ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%).
Nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế với nhiều cấp độ, đa dạng về hình thức, từng bước thích ứng với nguyên tắc và chuẩn mực của thị trường thế giới. Đến nay, Việt Nam đã trở thành thành viên của hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết rất cao về tự do hóa thương mại và phát triển bền vững. Điều đó chứng tỏ nền kinh tế Việt Nam ngày càng thích ứng với các điều kiện của nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế; đồng thời, đưa nước ta trở thành nền kinh tế có độ mở cao - tới 200% GDP.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2005 mới đạt 20,7 tỉ USD/năm, thì riêng năm 2022 đã đạt 732,5 tỉ USD, năm 2023 đạt 681 tỉ USD. Cán cân thương mại hàng hóa đã chuyển từ nhập siêu sang suất siêu 8 năm liên tục kể từ năm 2016, riêng năm 2023, xuất siêu đạt 28 tỉ USD, thuộc nhóm 20 quốc gia có quy mô thương mại hàng đầu thế giới; bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát tốt; nợ công năm 2023 ở mức khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều giới hạn quy định. Về thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2023 thu hút được trên 39,4 tỉ USD, vốn thực hiện đạt 23,2 tỉ USD, lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI.
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. |
Với các thành tựu đạt được, Việt Nam đang khẳng định vị thế là một trong những nền kinh tế năng động và có triển vọng của khu vực và thế giới. Cơ hội đang mở ra cho Việt Nam để phát triển kinh tế là rất to lớn.
Có thể thấy rằng, những quan điểm sai trái, xuyên tạc về kinh tế Việt Nam thực chất nhằm hướng đến mục đích duy nhất là làm chệch định hướng XHCN trong phát triển kinh tế thị trường, từ đó làm chệch quỹ đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Do đó, cần tỉnh táo nhận diện và kiên quyết đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, thù địch này, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN Việt Nam nói chung và với đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước nói riêng./.
Bài 1: Xuyên tạc công tác cán bộ: Luận điệu cũ, chiêu trò mới
Bài 2: Lợi dụng tôn giáo để "châm ngòi” kích động, chia rẽ Nhân dân
Tác giả: Quản trị
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Ý kiến bạn đọc