Tinh gọn bộ máy, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển

Thứ tư - 04/12/2024 08:02 14 0
(ĐCSVN) - Bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” của Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng ta với quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.
Tinh gọn bộ máy, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển
Quang cảnh buổi trao đổi.  

Bài 1: Thông điệp mạnh mẽ, quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy

Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của Trung ương, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, việc tổ chức, thực hiện Nghị quyết số 18 đã đạt được một số kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, việc sắp xếp tổ chức bộ máy vẫn chưa đồng bộ, thiếu tổng thể, chưa gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức chưa rõ ràng, còn trùng lặp, chồng chéo; phân cấp, phân quyền cho địa phương chưa mạnh, chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới…

Và mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Bài viết thể hiện thông điệp mạnh mẽ của người đứng đầu Đảng ta với quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Đó cũng là nội dung trao đổi của chúng tôi với các vị khách mời:

- Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mt trận T quốc Việt Nam.

- Ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ.

Phóng viên (PV): Thưa hai vị khách mời, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” ra đời trong thời điểm hiện nay có ý nghĩa quan trọng như thế nào?

Ông Vũ Trọng KimBài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm với điều kiện cụ thể hiện nay là một sự đổi mới mạnh mẽ về tư duy. Có thể nói, đây là một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy và thể hiện một điều rất quan trọng mà toàn dân, toàn quân, toàn đất nước Việt Nam rất phấn khởi. Giống như một thông điệp để thực hiện đổi mới lần thứ hai.

Nó thể hiện tinh thần đột phá vào vấn đề lớn của đất nước hiện nay. Đó là những điểm nghẽn của thể chế. Trong đó, vấn đề quan trọng là đột phá vào điểm nghẽn này để khơi luồng cho dòng chảy về các nguồn lực đưa vào cho phát triển. Đấy là điều quan trọng. Giống như những dòng sông được khơi thông để chảy về biển cả. Và không phải là một dòng sông mà nhiều con sông hợp thành sức mạnh để tuôn chảy những dòng nội lực kết hợp ngoại lực để đưa vào phát triển kinh tế, phát triển đất nước một cách toàn diện.

Đấy là ý nghĩa rất sâu sa, là cuộc cách mạng, là đổi mới tư duy, là điểm nhấn trong bước đi vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Ông Nguyễn Tiến DĩnhTôi cũng thấy rằng, bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”  về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một sự chỉ đạo, định hướng rất quan trọng của Đảng ta, cũng như người đứng đầu của Đảng ta, để thời gian tới, toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị phải thực hiện đẩy mạnh, đổi mới và sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hơn.

Có thể nói, thời gian vừa qua, chúng ta đã thực hiện đổi mới và sắp xếp lại tổ chức bộ máy. Mặc dù đạt được một số kết quả nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong khi đó, nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng đã khẳng định là đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như thế này. Nhưng để đạt được mục tiêu của Đảng đề ra đến năm 2030 trở thành một nước công nghiệp hiện đại và đến năm 2045 là một nước phát triển có thu nhập cao thì rõ ràng chúng ta phải có sự tăng tốc, bứt phá và quyết liệt hơn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Như đồng chí Trần Trọng Kim đã nói, điểm nghẽn của chúng ta là vấn đề thể chế. Trong đó, thể chế về tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị là điểm nghẽn của điểm nghẽn. Cho nên, nếu muốn phát triển và đạt được mục tiêu của Đảng đã đề ra đến năm 2030 và năm 2045, thì không có cách nào khác là phải tạo ra một chuyển biến rất mạnh mẽ về việc đổi mới và sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Mà như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói, đây là thực hiện một cuộc cách mạng trong việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Có như vậy, chúng ta mới đạt được mục tiêu đã đề ra.

Ông Vũ Trọng Kim: Bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm giống như một thông điệp để thực hiện đổi mới lần thứ hai. 

PV: Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra hàng loạt những Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận từ Đại hội VII của Đảng đến nay liên quan đến việc tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Ông Vũ Trọng Kim có thể phân tích sâu hơn về nội dung này?

Ông Vũ Trọng KimTrong bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, chúng ta nhìn thấy có nhiều vấn đề. Nhìn lại lịch sử thì thấy rằng, mô hình tổng thể của hệ thống chính trị nước ta bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị. Cơ bản từ năm 1945 đến nay vẫn giữ hệ thống như vậy.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta rất chú ý vấn đề đổi mới tổ chức cán bộ. Suốt chiều dài lịch sử đặt ra yêu cầu là phải đổi mới tổ chức bộ máy, hành động có hiệu lực, hiệu quả để lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.

Thứ hai là phải chú ý tập trung nghiên cứu để xây dựng tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Hai việc đó thời gian vừa qua, chúng ta đã tập trung và làm có kết quả ở những công việc nhất định. Vì Đảng ta luôn luôn chú ý là tổng kết thực tế và đưa ra những nghị quyết như nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, rồi kết luận của Bộ Chính trị... Những vấn đề đó được triển khai liên tục trong những khóa gần đây.

Nhưng khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương chú ý đến tập trung vào một nghị quyết. Đó là Nghị quyết số 18 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nghị quyết đó đã nêu mục đích, yêu cầu và những nội dung, nhiệm vụ cũng như giải pháp tiến hành rất cụ thể. Nhưng đáng tiếc rằng, chúng ta thực hiện chưa quyết liệt và chưa nhận thức một cách sâu sắc, cũng chưa diễn ra một cách đồng bộ ở các cấp. Chính vì vậy, kết quả có những hạn chế nhất định.

Bây giờ, chúng ta tập trung vào vấn đề này thì chưa muộn nhưng phải rất kịp thời để đất nước bước vào một kỷ nguyên mới. Dân tộc chúng ta phải vươn lên để tiến kịp với thế giới, tức là sánh vai với các cường quốc năm châu. Chính vì thế, vấn đề đặt ra hiện nay vừa cấp bách, vừa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ mới đang đặt ra rất nặng nề, rất là trọng sự của đất nước.

Vấn đề này thể hiện trong nội dung của Nghị quyết 18 mà bây giờ phải được tổng kết, đánh giá lại, xem điều gì làm được và chưa làm được, để từ đó tổng kết, rút kinh nghiệm. Ví dụ như kết luận trước đây của Bộ Chính trị về thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020 chẳng hạn, phải xem là mình đã làm được chưa? Chiến lược đó tới đâu? Rồi những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ xây dựng cả hệ thống để có đủ đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực và ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ mới... Tất cả những vấn đề đó phải đặt ra trong hệ thống của chúng ta là toàn diện, từ Đảng, Nhà nước, tới Mặt trận và các đoàn thể. Từ đó, chúng ta soi rọi vào đội ngũ cán bộ đảm đương cho nhiệm vụ ngang tầm với yêu cầu mới. Đấy là vấn đề rất quan trọng.

PV: Như ông Vũ Trọng Kim đã trao đổi, trong rất nhiều các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận được đề cập trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm dành thời lượng khá dài để trao đổi về Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Quan điểm của đồng chí Nguyễn Tiến Dĩnh về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Vâng, có thể nói rằng, Đảng ta từ trước tới nay vẫn rất quan tâm việc sắp xếp lại, đổi mới trong công tác tổ chức bộ máy cũng như công tác cán bộ. Ngay từ Đại hội VI, qua các đại hội tiếp theo, thì đều có các chủ trương, Nghị quyết và Kết luận đề cập với vấn đề đó. Tuy nhiên, Nghị quyết 18 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII vào năm 2017 là một Nghị quyết đề cập tới việc đổi mới và sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị một cách rất toàn diện, cụ thể và sâu sắc, từ việc đánh giá những kết quả đạt được, đưa ra những tồn tại, hạn chế, những nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh:  Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là một sự chỉ đạo cũng như là định hướng rất quan trọng của Đảng ta cũng như người đứng đầu của Đảng ta trong việc thời gian tới, toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị phải thực hiện việc đẩy mạnh, đổi mới và sắp xếp lại tổ chức bộ máy trong toàn hệ thống chính trị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hơn. 

Nghị quyết cũng đưa ra những quan điểm, mục tiêu, từ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể từ năm 2021 - 2030 và các năm tiếp theo. Trong đó, Nghị quyết đưa ra những nhiệm vụ và giải pháp cho từng tổ chức trong hệ thống chính trị, từ tổ chức đảng cần phải sắp xếp bộ máy ra sao, phải cần đổi mới như thế nào. Rồi hệ thống tổ chức Nhà nước từ Quốc hội cho đến Chính phủ, các tổ chức chính quyền địa phương và Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức đoàn thể chính trị khác. Trong nghị quyết 18, có thể nói là nêu rất cụ thể. Nếu chúng ta thực hiện tốt Nghị quyết 18, chắc chắn là có sự chuyển biến mạnh. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện Nghị quyết đã được 7 năm. Chúng ta nhìn lại còn có những tồn tại, hạn chế như là Tổng Bí thư đã nêu trong bài viết của mình. Chính vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu trong thời gian tới, phải tiến hành tổng kết một cách toàn diện, đồng bộ và sâu sắc với tinh thần hết sức khách quan, dân chủ, toàn diện và đảm bảo sát với thực tiễn và đánh giá đúng, đủ những vấn đề được và chưa được. Quan trọng hơn, tức là thông qua tổng kết Nghị quyết 18 để đưa ra các đề xuất, giải pháp, nhiệm vụ, trong đó Tổng Bí Thư cũng nêu rõ là đề xuất ra những mô hình tổ chức mới phù hợp trong thời gian tới, thông qua đó giúp Đảng ra những nghị quyết, chủ trương để tiếp tục thực hiện một cách tốt hơn.

PV: Trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra rất nhiều tồn tại, hạn chế như: Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển; một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin - cho, dễ nảy sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Ông Vũ Trọng Kim có suy nghĩ như thế nào về vấn đề thực trạng cồng kềnh, thiếu tinh gọn trong bộ máy Nhà nước mà Tổng Bí thư nêu ra?

Ông Vũ Trọng Kim: Chúng ta thực hiện Nghị quyết 18 từ tháng 10/2017, đến nay được 7 năm. Tuy nhiên, trong việc làm, chúng ta chưa quyết liệt. Nếu quyết liệt thì đã cơ bản giải quyết được những nhiệm vụ lớn. Nhưng bây giờ tổ chức bộ máy của chúng ta nhìn lại là rất cồng kềnh. Sắp xếp bộ máy không gắn với việc tinh giản biên chế và chức năng, nhiệm vụ không được rõ ràng. Chính vì vậy cho nên tính thống nhất, tính đồng bộ không có và từ đó sinh ra những cơ cấu về các ngành chưa phải là khoa học. Nhiều nhiệm vụ không được phân công rõ ràng, có một số nhiệm vụ nhiều cơ quan cùng làm nên trách nhiệm không rõ. Trách nhiệm không rõ còn ảnh hưởng xuống địa phương, sự ôm đồm, làm thay, bao biện đó làm cho sự chủ động, sáng tạo của địa phương mất đi.

Chính vì thế, những việc đó cần phải phân cấp, phân quyền ở bộ, ngành, địa phương sao cho rõ, trách nhiệm tới đâu và ai phải chịu đến cùng công việc đó. Làm rõ được những vấn đề về khoa học, tổ chức bộ máy thì gắn với tinh giản bộ máy, biên chế. Từ biên chế đó, chúng ta thấy rằng ai là những người thực hiện tốt nhất công việc ở những vị trí việc làm, từ đó tăng cường, bồi dưỡng về phẩm chất, năng lực và khả năng hoàn thành nhiệm vụ. Qua đó, mới đánh giá được cán bộ, đưa vào quy hoạch để xứng tầm với vị trí công việc, tránh tình trạng như hiện nay là có những người làm không hết việc nhưng mà có những người cứ ngồi chơi xơi nước… 

PV: Thưa ông Nguyễn Tiến Dĩnh, ông có một thời gian rất dài và chắc chắn có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tổ chức nội vụ. Vậy ông có góc nhìn khác về thực trạng cng kềnh và thiếu tinh gọn cho bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Vâng! Tất cả những tồn tại, hạn chế mà Nghị quyết 18 cũng như Tổng Bí thư Tô Lâm nêu trong bài viết của mình đã phản ánh rõ nét. Bộ máy tổ chức nhà nước của chúng ta hiện nay tạo ra một lực cản rất lớn trong việc phát triển đất nước. Nó cũng là một điểm nghẽn, tạo ra chi phí hết sức lớn, chi phí hành chính, từ đó dẫn đến năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức đảng cũng hạn chế. Hệ quả của việc tồn tại, hạn chế của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị như bài viết của đồng chí Tô Lâm nêu là vấn đề rất lớn. Cho nên, vấn đề cấp bách cần làm là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, nếu không chúng ta không thể phát triển được khi bắt đầu bước vào kỉ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, để sánh vai với các nước.

Nếu tổ chức bộ máy cứ cồng kềnh như thế này thì hiệu quả cũng hạn chế, năng lực cầm quyền, năng lực lãnh đạo cũng như sức chiến đấu của tổ chức đảng cũng hạn chế thì khó có thể đạt được kết quả mà mục tiêu đến năm 2030 hay năm 2045 mà Đảng đã nêu ra. Chính vì vậy, đồng chí Tô Lâm đã thể hiện tinh thần rất quyết liệt, quyết tâm thể hiện thái độ, ý thức chính trị của mình để yêu cầu trong thời gian tới phải tiếp tục đổi mới và sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả để đáp ứng được yêu cầu trong thời đại mới.

PV: Những tồn tại, hạn chế đó ảnh hưởng như thế nào đến năng lực, hiệu quả lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, cũng như là ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đến uy tín của Đảng, niềm tin của Nhân dân, thưa ông Vũ Trọng Kim?

Ông Vũ Trọng Kim: Như quý vị đã biết, Đảng ta không có mục đích nào khác ngoài việc đem lại lợi ích cho toàn dân tộc. Chính vì thế, cái gì mà Nhân dân còn mong đợi thì đó là điều Đảng cần phải trăn trở và hướng tới để thực hiện cho được yêu cầu mà Bác Hồ đã nói. Nếu việc đó có lợi cho dân thì hãy tập trung làm, nếu điều đó có hại cho dân thì kiên quyết không làm. Hiện chúng ta còn một số rào cản, một số việc phục vụ Nhân dân chưa tốt. Cho nên, những gì Nhân dân mong muốn thì chúng ta hãy hướng về, làm sao để Nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Đó cũng là mong muốn tột cùng của Bác Hồ.

Bây giờ, chúng ta phải tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế. Mà phát triển kinh tế với thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng như hiện nay là khó khăn. Doanh nghiệp cũng kêu than, đầu tư nước ngoài vào cũng có những cản trở, nhất là thủ tục hành chính quá rườm rà. Một việc mà qua rất nhiều cơ quan làm cho người ta ngán ngẩm, cho nên những việc này phải tháo gỡ, phải tập trung thể chế hóa. Làm việc này mà không tốt từ yêu cầu của Nhân dân, yêu cầu của doanh nghiệp, yêu cầu của phát triển thì ảnh hưởng tới sự lãnh đạo của Đảng.

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Quyết tâm của Tổng Bí thư trong chỉ đạo và định hướng yêu cầu chúng ta phải làm một cách rất mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển biến thực sự, có tính chất cách mạng trong cả tổ chức bộ máy để đáp ứng được yêu cầu gọn nhưng phải tinh.  

Đảng lãnh đạo toàn diện, trực tiếp và tuyệt đối như trong Điều 4 của Hiến pháp. Đảng lãnh đạo Nhà nước và lãnh đạo toàn xã hội. Trách nhiệm của Đảng như thế nào? Bây giờ, chúng ta bàn đến chuyện này là công việc cần kíp rồi, công việc mà Nhân dân mong đợi rồi. Chúng ta cũng thấy lòng mình tin tưởng vào việc làm hết sức có ý nghĩa này, cho nên phải quyết tâm làm. Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối và trực tiếp thì Đảng phải có trách nhiệm làm.

PV: Ông Nguyễn Tiến Dĩnh nhìn nhận như thế nào về những tác động, ảnh hưởng của những tồn tại, hạn chế đến năng lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như tác động đến niềm tin của Nhân dân?

Ông Nguyễn Tiến Dĩnh: Có thể nói rằng, đối với bộ máy trong hệ thống chính trị của chúng ta còn rất cồng kềnh, nhiều tầng lớp trung gian. Nó không chỉ thể hiện số lượng đông mà chất lượng cũng chưa cao. Điều này dẫn đến khả năng thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng vào chính sách, pháp luật của Nhà nước còn rất chậm và độ trễ lớn. Vì vậy, quá trình thực thi chủ trương, đường lối cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng rất hạn chế và có sự chồng chéo giữa các cơ quan với nhau. Rồi có sự né tránh, nể nang và không dám chịu trách nhiệm giữa các cơ quan. Rồi có những việc đáng lý không cần làm và có thể giao cho xã hội hoặc là phân cấp, phân quyền cho địa phương, mà cứ giữ lại, nhưng làm cũng không đến nơi đến chốn, nên gây cản trở rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, cũng ảnh hưởng đến đời sống cũng như tâm tư của Nhân dân.

Mọi hoạt động của tổ chức đảng, chính quyền, cũng như các tổ chức chính trị - xã hội phải lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo. Năng lực cũng như hiệu quả làm việc của các tổ chức đảng, tổ chức nhà nước cũng như tổ chức chính trị - xã hội, trong thời gian vừa qua, Nhân dân còn có nhiều điều chưa hài lòng, cho nên ảnh hưởng đến niềm tin của Nhân dân, đến năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của tổ chức đảng…

Chính vì vậy, một lần nữa chúng ta thấy rằng, quyết tâm của Tổng Bí thư trong chỉ đạo và định hướng, chúng ta phải làm một cách rất mạnh mẽ, tạo ra sự chuyển biến thực sự, có tính chất cách mạng trong cả tổ chức bộ máy để đáp ứng được yêu cầu gọn nhưng phải tinh, tức là nâng cao chất lượng. Hiệu năng tức là nâng cao năng lực của tổ chức bộ máy cũng như từng con người. Xa hơn nữa, tức là năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng cũng như sự chiến đấu của Đảng. Và cuối cùng là phải đạt được hiệu lực hiệu quả, thông qua đó giảm được chi phí hành chính cho bộ máy trong cả nước./.

 
Thu Hà và nhóm PV

Tác giả: Quản trị

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay1,609
  • Tháng hiện tại28,675
  • Tổng lượt truy cập1,978,820
hộp thư điện tử
chào mừng đại biểu đại hội
Quân đội nhân dân
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
lịch công tác
hệ thống tiếp nhận trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
cổng thông tin điện tử tỉnh
hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân
chung tay cải cách thủ tục hành chính
văn bản chỉ đạo điều hành
bộ ngoại giao
cơ quan đại diện ngoại giao
hỏi đáp
dịch vụ công trực tuyến
cơ sở dữ liệu quốc gia
công báo tây ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây