Nhật Bản

Thứ tư - 11/11/2020 00:00 133 0

Nhật Bản

I. Diện Tích Nhật Bản (tiếng Nhật gọi là Nihon hoặc Nippon), chạy theo hình vòng cung dài 3.800km, từ vĩ độ bắc 20025’ đến 45033’ bên bờ phía Đông lục địa châu Á. Tổng diện tích của Nhật Bản là 380.000 km2, lớn hơn Phần Lan, Việt Nam hoặc Malaysia một chút, song chỉ bằng 1/25 tổng diện tích của Mỹ, 1/2 tổng diện tích của Chile, gấp 1.5 lần diện tích nước Anh. Nhật Bản là đất nước có nhiều rừng núi, chiếm khoảng 67% diện tích, các cánh đồng được canh tác chiếm khoảng 13%. Nhật Bản gồm 4 hòn đảo chính là Hokkaido (83.453 km2), Honshu (231.078 km2, chiếm trên 60% tổng diện tích), Shikoku (18.788 km2) và Kyushu (42.165 km2) và hàng ngàn hòn đảo nhỏ khác.

 II. Thủ Đô

Tokyo là thủ đô của Nhật Bản với diện tích 2.187 km2, dân số 12.064.000 người (năm 2000). Thủ đô Tokyo là trung tâm chính trị gồm các toà nhà hành chánh của chính phủ như Toà nhà Quốc hội, Toà án, nhiều văn phòng của các Bộ được tập trung ngay tại khu vực trung tâm của thủ đô. Tokyo còn là một trung tâm kinh tế với sự hiện diện của các văn phòng công ty. Ngoài ra Tokyo cũng là một trung tâm văn hoá và thông tin với nhiều cơ sở văn hoá, toà soạn báo, đài truyền hình đang hoạt động tại đây.

 III. Khu Vực Hành Chính

Đơn vị hành chính của Nhật Bản gồm 4 cấp: "to", "do", "fu" và "ken".

- "to" ("đô"): dùng cho Tokyo

- "do" ("đạo"): dùng riêng cho Đảo Hokkaido

- "fu" ("phủ"): dành cho Osaka và Kyoto

- "ken" ("huyện"): đơn vị hành chính cấp tỉnh

Nhật Bản có 43 "ken", 1 "to", 2 "fu" và 1 "do". Ngoài ra, Nhật Bản còn thường được chia làm 8 vùng: 

 (1) Hokkaido

(2) Tohoku

  (Gồm các tỉnh: Aomori, Iwate, Miyagi, Akita, Yamagata, Fukushima)

(3) Kanto

  (Gồm các tỉnh: Ibaraki, Tochigi, Gumma, Saitama, Chiba, Tokyo, Kanagawa)

(4) Chubu

  (Gồm các tỉnh: Niigata, Toyama, Ishikawa, Fukui, Yamanashi, Nagano, Gifu, Shizuoka)

(5) Kinki

  (Gồm các tỉnh: Mie, Shiga, Kyoto, Osaka, Hyogo, Nara, Wakayama)

(6) Chugoku

  (Gồm các tỉnh: Tottori, Shimane, Okayama, Hiroshima, Yamaguchi)

(7) Shikoku 
  (Gồm các tỉnh: Kagawa, Ehime, Tokushima, Kochi)

(8) Kyushu 
  (Gồm các tỉnh: Fukuoka, Saga, Nagasaki, Kumamoto, Oita, Myazaki, Kagoshima, Okinawa)

 IV. Dân Số

Vào năm 2000, dân số Nhật Bản là 126.926.000 người, đứng hàng thứ 9 trên thế giới. Trong những năm gần đây, tỉ lệ tăng dân số tại Nhật Bản sút giảm, chỉ khoảng 0.18% vào năm 2000.

Mật độ dân số của Nhật Bản là 340 người/ km2 (năm 2000), một trong những nước có mật độ dân số cao nhất trên thế giới (847 người/ km2 tại Bangladesh, 463 người/ km2 tại Hàn Quốc, 334 người/ km2 tại Bỉ, 240 người/ km2 tại Anh, 130 người/ km2 tại Trung Quốc và 29 người/ km2 tại Mỹ). 44% dân số Nhật Bản tập trung tại 3 khu vực hành chính lớn là Tokyo, Osaka và Nagoya.

V. Khí Hậu

Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt nhưng nhìn chung, khí hậu Nhật Bản tương đối ôn hoà. Tuy   nhiên, do Nhật Bản có địa hình trải dài trên 3.000 km từ Bắc xuống Nam, lại có nhiều dãy núi nên khí hậu từng mùa ở mỗi vùng đều có đặc điểm khác nhau. Mùa hè ấm và độ ẩm cao, vào đầu hè thường có những cơn mưa. Mùa xuân và mùa thu khí hậu êm dịu, mặc dù tháng 9 thường có bão, có thể làm lở đất bằng những trận mưa lớn và gió mạnh. Mùa đông phía Thái Bình Dương thường ôn hoà với nhiều ngày nắng, còn phía biển Nhật Bản thường u ám. Hokkaido là nơi có mùa đông khá khắc nghiệt.

VI. Bốn Mùa Tại Nhật Bản

Tuy mỗi vùng của Nhật Bản có đặc điểm khác nhau, nhưng nhìn chung Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt:

- Mùa xuân (tháng 3,4, 5)

Vào mùa xuân có nhũng cơn gió ấm áp thổi từ phía Nam đến. Hoa Anh Đào bắt đầu nở rộ. 

Các trường học tại Nhật bắt đầu năm học mới vào ngày 1 tháng 4. Năm tài chính của Nhật cũng bắt đầu vào ngày này.

- Mùa hè (tháng 6, 7, 8)

Ngoại trừ Hokkaido, mùa mưa tại Nhật Bản thường rơi vào khoảng tháng 6 đến tháng 7.
Mùa hè tại Nhật nóng bức và độ ẩm cao. Vào dịp hè, người Nhật thường đi bơi, tắm biển, leo núi…  

- Mùa thu (tháng 9, 10, 11)

Mùa thu Nhật Bản thường hay có những trận mưa bão, nhất là ở phía Đông. 
Khi những trận mưa bão này qua đi, phong cảnh Nhật Bản trở nên tuyệt đẹp với những hàng cây lá đỏ. 

Mùa thu cũng là mùa thu hoạch trái cây. 

- Mùa đông (tháng 12, 1, 2)

Mùa đông tại Nhật Bản rất lạnh. Phía Bắc và miền Trung Nhật Bản hứng chịu những cơn bão tuyết, nhưng cũng là mùa thích hợp cho những ai thích chơi trượt tuyết.

 VII. Núi Lửa Và Động Đất

          3/4 diện tích đất của Nhật Bản là núi. Vùng Chubu – trung tâm của đảo Honshu được coi là "mái nhà của Nhật Bản" và có nhiều ngọn núi cao hơn 3,000m. 3 ngọn núi cao nhất Nhật Bản là:

- Núi Phú Sĩ, cao 3.776 mét, nằm giáp ranh giữa tỉnh Yamanashi và tỉnh Shizuoka.

- Núi Kitadake (cao 3,192 mét) ở tỉnh Yamanashi.

- Núi cao thứ ba là Hotakadake (cao 3,190 mét) nằm giáp ranh giữa tỉnh Nagano và Gifu. 

Nằm ở khu vực địa chấn vành đai núi lửa Thái Bình Dương, Nhật Bản có nhiều khu vực có núi lửa, trong đó có khoảng 80 núi lửa đang hoạt động. Núi Phú Sĩ đã ngưng hoạt động phun trào từ năm 1707. Mặc dù núi lửa gây ra những thiệt hại to lớn qua các đợt phun trào, nhưng đất đai ở những vùng rộng lớn được tro núi lửa hoặc nham thạch bao phủ rất màu mỡ và thích hợp cho trồng trọt. Gần khu vực núi lửa còn có các nguồn suối nước nóng do nước ngầm gặp khí ga của núi lửa ở nhiệt độ cao hoặc bị đun nóng bởi nhiệt độ dưới lòng đất. Suối nước nóng là những điểm rất thu hút khách du lịch.

          Cũng do quần đảo Nhật Bản nằm trên khu vực vành đai núi lửa Thái Bình Dương, nên lớp vỏ địa chấn phía dưới không bền vững. Vì thế Nhật Bản là một trong những nước phải gánh chịu hậu quả của động đất nhiều nhất. Trung bình mỗi năm, tại Nhật Bản có khoảng 1,000 trận động đất mạnh xảy ra. Tháng 1 năm 1995, trận động đất lớn Hanshin – Awaji tại tỉnh Hyogo đã làm gần 6,000 người thiệt mạng, 40,000 người bị thương, và khoảng 200,000 người bị mất nhà cửa.

VIII. Văn Hóa

Văn hoá Nhật Bản ngày nay hết sức đa dạng. Việc một phụ nữ trẻ sau khi học nghệ thuật truyền thống như trà đạo và cắm hoa, liền đi xem thi đấu thể thao không còn là chuyện lạ nữa. Tương tự như vậy, ở thành thị ta có thể thấy những đền chùa cổ kính đứng ngay bên các toà nhà chọc trời. Nền văn hoá Nhật Bản là một sự hoà quyện đặc sắc giữa cổ xưa với hiện đại, giữa Đông với Tây. Mặc dù hệ thống truyền thông hiện đại đưa thông tin tới khắp mọi miền Nhật Bản và các mốt thay đổi rất nhanh, thì nền văn hoá truyền thống, chẳng hạn như tập quán sinh hoạt lâu đời ở mỗi miền, hay các lễ hội cổ truyền vẫn duy trì được bản sắc cũng như phương ngữ riêng của địa phương mình. Tính đa dạng còn thể hiện trong nền công nghiệp Nhật Bản. Mặc dầu tốc độ công nghiệp hoá nhanh chóng trong một thế kỷ qua đã đưa Nhật Bản trở thành một trong những nền công nghiệp tiên tiến nhất thế giới, dấu vết của quá khứ sản xuất nông nghiệp vẫn còn hiện hữu. Tính đa dạng còn thể hiện trong các trường đại học nơi sinh viên có thể theo học nhiều ngành khác nhau, từ công nghiệp điện tử đến quản trị quốc tế. Nhật Bản là một đất nước nơi truyền thống cổ xưa giao hoà với công nghệ hiện đại để tạo nên một môi trường rất lý thú. Đây quả là một địa điểm học tập lý tưởng!

IX. Ẩm Thực

Ẩm thực Nhật Bản không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng vào sự tươi ngon tinh khiết của món ăn. Là một quốc đảo bốn bề là biển, hải sản luôn chiếm đa số trong khẩu phần ăn của người Nhật. Như hầu hết các nước châu Á khác, lương thực chính của Nhật Bản là gạo. Người Nhật cuộn gạo nấu chín trong những tấm rong biển sấy để tạo thành món sushi, được coi là quốc thực của Nhật Bản. Ngoài ra, đậu nành, rượu sake, và bột trà xanh cũng tạo nên đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản.

Người Nhật rất hâm mộ thể thao. Môn võ cổ tuyền của họ là JudoAikido và Kendo nổi tiếng thế giới. Thích leo núi, các môn thể thao dưới nước, golf,...

X. Phong Tục Tập Quán

Trong giao tiếp

- Kiểu khẽ cúi chào: thân mình và đầu chỉ hơi cúi khoảng một giây, hai tay để bên hông. Người Nhật chào nhau vài lần trong ngày, nhưng chỉ lần đầu thì phải chào thi lễ, những lần sau chỉ khẽ cúi chào. Ngay cả người Nhật cũng thấy những nghi thức cúi chào này hết sức rườm rà nhưng nó vẫn tồn tại trong quá trình giao tiếp từ thế hệ này qua thế hệ khác và cho đến tận ngày nay.

- Kiểu cúi chào bình thường: thân mình cúi xuống 20-30 độ và giữ nguyên 2-3 giây. Nếu đang ngồi trên sàn nhà mà muốn chào thì đặt hai tay xuống sàn, lòng bàn tay úp sấp cách nhau 10–20 cm, đầu cúi thấp cách sàn nhà 10–15 cm.

- Kiểu Saikeirei: cúi xuống từ từ và rất thấp là hình thức cao nhất, biểu hiện sự kính trọng sâu sắc và thường sử dụng trước bàn thờ trong các đền của Thần đạo, chùa của Phật giáo, trước Quốc kỳ, trước Thiên Hoàng.

- Giao tiếp mắt: người Nhật thường tránh nhìn trực diện vào người đối thoại, mà họ thường nhìn vào một vật trung gian như caravat, một cuốn sách, đồ nữ trang, lọ hoa..., hoặc cúi đầu xuống và nhìn sang bên. Nếu khi nói chuyện mà nhìn thẳng vào người đối thoại thì bị xem như là một người thiếu lịch sự, khiếm nhã và không đúng mực.

- Ngón trỏ và ngón cái tạo thành hình tròn: chúc bạn giàu có.

- Người Nhật rất thích hoa anh đào. Họ rất kị số 4, vì âm đọc số 4 đồng âm với từ "chết". Chữ số bốn trong mê tín của một số nước theo văn hóa chữ Hán trong đó có Nhật Bản do đồng âm với chữ "Tử" (nghĩa là chết) nên người ta thường kiêng số 4. Vì lý do này nên có sự mê tín coi chữ số 4 như một nỗi bất hạnh hoặc điềm gở.

Ngoài số 4 người ta cũng tránh số 9 – 九 (với phát âm giống chữ "Khổ" – 苦). Tuy nhiên九 và苦 là đồng âm chỉ có trong tiếng Nhật nên cũng chỉ là phong tục của riêng Nhật Bản. Không nên tặng hoa cúc đại đóa cho họ vì đây là điều cấm kị. Người Nhật coi cúc đại đóa là biểu hiện, điềm báo của sự tang thương, chết chóc.

1. Dùng đũa đúng cách

Bạn sẽ nhận nhiều lời chỉ trích ở "Đất nước mặt trời mọc" nếu đặt đũa dọc trên bát – việc này giống một tục lệ đám ma. Nếu bạn cần đặt đũa xuống, luôn đặt chúng trên kệ đỡ đũa cạnh đĩa ăn. Ngoài ra, đừng đưa thức ăn từ đũa của mình sang đũa của người khác – đây cũng là một việc cấm kị. Khi người khác đưa thức ăn cho bạn, luôn luôn đặt lên đĩa trước rồi mới dùng đũa đưa lên miệng. Bạn cũng không nên cọ hai chiếc đũa – người Nhật nghĩ việc này rất thô lỗ.

2. Không đi giày vào trong nhà

Đến du lịch Nhật Bản, nếu bạn đã đi thăm các công trình kiến trúc, bạn sẽ dễ nhận thấy giày phải được bỏ ra trước khi bước đến cửa. Giày đi ngoài đường bị coi là bẩn, và vì thế bạn phải thay dép bông khi bước vào. Các nhà trọ truyền thống ở quốc gia này và một số đền thờ cúng, các công trình công cộng khác cũng áp dụng quy tắc này. Nếu bạn thấy nhiều đôi giày thẳng hàng ở hành lang cửa ra vào, điều này có nghĩa là bạn phải bỏ giày ra. Dép đi trong nhà thường có sẵn để bạn xỏ vào.

Giày cũng bị cấm trong các nhà hàng trải chiếu cói tatami. Trong các nhà hàng này, dép lê cũng không được phát vì dép có thể làm rách chiếu. Vậy nên hãy đi một đôi tất thật dày.

Một quy luật nghiêm ngặt khác là bạn phải đổi từ dép đi trong nhà sang dép đi vệ sinh khi vào toilet. Ở cửa nhà vệ sinh sẽ có những đôi dép đặc biệt dành riêng cho mục đích này. Bạn nhớ đừng quên đổi lại dép khi ra khỏi phòng nhé.

3. Đừng tảng lờ việc xếp hàng

Người Nhật rất thích xếp hàng khi đứng chờ xe buýt, trên bến tàu hay cả khi chờ thang máy. Trên bến tàu điện ngầm, sẽ có những đường hướng dẫn xếp hàng được vạch sẵn cho bạn. Khỏi cần nói, bạn cũng cần phải tránh đường cho hành khách xuống tàu trước rồi mới xếp hàng.

4. Tránh ăn uống khi đang đi đường

Ở Nhật, người dân không thường ăn uống khi đang trên đường đi. Đồ ăn nhanh bán ở các quầy hàng bên đường phải được ăn đứng tại chỗ, trong khi đồ uống mua từ máy bán hàng tự động được uống tại chỗ còn vỏ chai được vứt vào thùng rác tái chế bên cạnh. Ăn uống trên các phương tiện giao thông công cộng cũng được coi là vô văn hóa, nhưng những chuyến tàu chạy quãng dài là một ngoại lệ.

5. Không ngâm nước nóng trước khi tắm

Hầu hết các gia đình ở Nhật đều có một bồn tắm nước nóng sẵn trong nhà. Bồn này được dùng để ngâm mình thư giãn chứ không phải để tắm sạch. Trước khi ngâm mình vào làn nước nóng, bạn sẽ phải kỳ cọ thật kỹ. Nếu bạn đi đến các khu tắm công cộng onsen, điều này cũng là bắt buộc. Một số quy tắc khác là: không được mặc áo tắm, phải buộc tóc gọn gàng để tránh rơi tóc vào nước, không được để khăn tắm của bạn chạm nước và không lội nước trong bể. Nếu bạn có hình xăm, có thể bạn sẽ không được vào khu tắm công cộng ở Nhật, xăm mình được coi là có liên quan tới các… băng đảng.

6. Không đổ tương lên thực phẩm

Tại Nhật Bản, không ai đổ nước tương trực tiếp lên thực phẩm. Bạn phải đổ tương vào đĩa nhỏ chuyên dụng, rồi dùng đũa chấm sashimi hay sushi vào.

7. Không xì mũi ở nơi công cộng

Xì mũi ở nơi công cộng được xem là bất lịch sự ở Nhật. Hãy đến nhà vệ sinh hay các nơi tương tự để làm việc này. Bạn sẽ bắt gặp nhiều người đeo khẩu trang ngoài đường, đặc biệt là vào mùa đông. Đó là vì họ bị cúm và không muốn lây bệnh sang người khác.

8. Không tip cho bồi bàn

Mặc dù ở các nước phương Tây, việc đặt tip cho bồi bàn là "luật bất thành văn", nhưng ở Nhật không có tục lệ này, và nhiều khi bạn còn bị coi là đang sỉ nhục người bồi bàn khi làm vậy. Thuế dịch vụ đã được tính trong hóa đơn, và cả tài xế taxi cũng không nhận tip. Hãy thử đặt vài xu trên bàn và anh bồi bàn sẽ tất tả chạy theo bạn để trả tiền lại cho bạn.

9. Tránh trò chuyện điện thoại to tiếng trong khi đi phương tiện công cộng

Người Nhật luôn cố gắng sử dụng điện thoại ít nhất có thể và các cuộc điện thoại của họ đều ngắn gọn và yên lặng. Khi bạn đang ở trên một phương tiện công cộng, bạn sẽ thấy rất nhiều người nhắn tin, xem phim hay nghe nhạc, nhưng rất ít người nói chuyện điện thoại. Nếu bạn bắt buộc phải dùng điện thoại, hãy di chuyển đến một nơi yên tĩnh với ít người.

10. Không chỉ trỏ

Chỉ trỏ người hay vật được coi là thô lỗ ở Nhật. Thay vì dùng ngón tay để chỉ, người dân ở đây dùng bàn tay vẫy nhẹ về phía thứ họ muốn đề cập đến. Nếu muốn chỉ đến chính bản thân mình, họ sẽ lấy ngón trỏ chạm vào mũi. Dùng đũa để chỉ trỏ cũng được coi là vô văn hóa.

11. Tránh đưa và nhận đồ bằng một tay

Kể cả những vật nhỏ nhất như thẻ thông tin cá nhân cũng được đưa và nhận bằng cả hai tay. Khi bạn trả tiền tại một quán ăn hay café, bạn thường phải đặt tiền lên một khay nhỏ cạnh quầy thu ngân thay vì đưa trực tiếp cho người thu ngân.

12. Không tự đổ thức uống cho bản thân

Khi đi chơi với bạn bè hay đồng nghiệp, bạn phải đổ đầy chén của họ khi họ đã uống hết nhưng không được tự rót cho mình – điều này là bất lịch sự. Cốc của bạn sẽ được người kia đổ để đáp lễ. Bạn cũng luôn phải cầm chai bằng hai tay khi rót.     

                                                                             Thảo Uyên

 

 


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm3
  • Hôm nay657
  • Tháng hiện tại18,047
  • Tổng lượt truy cập1,552,009
hộp thư điện tử
chào mừng đại biểu đại hội
Quân đội nhân dân
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
lịch công tác
hệ thống tiếp nhận trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
cổng thông tin điện tử tỉnh
hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân
chung tay cải cách thủ tục hành chính
văn bản chỉ đạo điều hành
bộ ngoại giao
cơ quan đại diện ngoại giao
hỏi đáp
dịch vụ công trực tuyến
cơ sở dữ liệu quốc gia
công báo tây ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây