Vương Quốc Campuchia

Thứ tư - 11/11/2020 00:00 5.909 0

Vương Quốc Campuchia

I. Khái Quát Chung

 - Tên nước: Vương quốc Campuchia (The Kingdom of Cambodia)

- Quốc khánh: 09/11/1953

- Diện tích: 181.035 km2

- Thủ đô:  Phnôm Pênh (Phnom Penh)

- Các tỉnh, thành phố lớn: Phnôm Pênh, Bắt-đom-boong (Battambang), Kom-pông Chàm (Kompong Cham), Xi-ha-núc Vin (Sihanouk Ville), Xiêm Riệp (Seam Reap).

- Vị trí địa lý: Campuchia nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương, phía Tây và Tây Bắc giáp Thái Lan (2.100 km), phía Đông giáp Việt Nam (1.137km), phía Đông Bắc giáp Lào (492 km), phía Nam giáp biển (400 km). Sông ngòi: tập trung trong 3 lưu vực chính (Tônlê Thom, Tônlê Sap và Vịnh Thái Lan). Phân bố địa hình: đồng bằng chiếm 1/2 diện tích tập trung ở hướng Nam và Đông Nam, còn lại là núi, đồi bao quanh đất nước.

- Dân tộc: Người Khmer (90%), gồm nhiều loại như Khmer giữa (tiếng Khmer là Khmer Kandal), Khmer Thượng (Khmer Loeur) và Khmer Hạ (Khmer Krom). Các dân tộc thiểu số: người Mã Lai, Chàm, Lào, Miến Điện, Việt Nam, Thái Lan, Hoa (10%).

- Ngôn ngữ: Tiếng Khmer (95%) là ngôn ngữ chính thức. Mọi công dân Campuchia được gọi là người mang "quốc tịch Khmer". Đạo Phật (khoảng 90% dân số theo đạo Phật) được coi là Quốc đạo.

- Dân số: xấp xỉ 13,38 triệu người (nam 6,5 triệu, nữ 6,9 triệu) với tỉ lệ tăng dân số 1,54%/năm (2008).

- Thu nhập bình quân đầu người: 818 USD năm 2008 (số liệu của IMF)

II. Thể Chế Chính Trị

          1- Thể chế nhà nước: Theo Hiến pháp năm 1993 qui định Campuchia là quốc gia Quân chủ lập hiến. Hệ thống quyền lực được phân định rõ giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp gồm: Vua, Hội đồng ngôi Vua, Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Hội đồng Hiến pháp và các cơ quan hành chính các cấp.

          2- Hành pháp: Đứng đầu nhà nước: Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni, lên ngôi ngày 29/10/2004. Nội các: Hội đồng Bộ trưởng do Quốc vương ký sắc lệnh bổ nhiệm. Hiện nay, đứng đầu Chính phủ gồm 01 Thủ tướng và 08 Phó Thủ tướng. Thủ tướng đương nhiệm là Xăm-đéc Ạ-kẹ Mô-ha Xê-na Pạ-đây Tê-chô HUN XEN (Samdech Akka Moha Sena Padei Techo HUN SEN) (người của CPP).

          3- Lập pháp:  Lưỡng viện (ngày 08/3/1999 Campuchia sửa đổi Hiến pháp, lập thêm Thượng viện).

          - Quốc hội: Chủ tịch Quốc hội Xăm-đéc Ạ-kẹ Mô-ha Pô-nhia Chạ-kơ-rây HÊNG XOM-RIN (Samdech Akka Moha Ponhea Chakrei HENG SAMRIN) (người của CPP); có 123 ghế, bầu đại biểu theo chế độ phổ thông đầu phiếu, nhiệm kỳ 5 năm. Campuchia đã tổ chức bầu cử Quốc hội 4 lần (1993, 1998, 2003, 2008).

          - Thượng viện: Chủ tịch: Xăm-đéc Ạ-kẹ Mô-ha Thôm-mẹ Pô-thị-xan CHIA XIM (Samdech Akka Moha Thamma Pothisal CHEA SIM) (người của CPP); nhiệm kỳ 5 năm; Thượng viện có 61 ghế, trong đó 02 ghế do Quốc vương bổ nhiệm, 02 ghế do Quốc hội chỉ định. Thượng viện nhiệm kỳ I thành lập tháng 3/1999 không qua bầu cử, các đảng có chân trong Quốc hội bổ nhiệm thành viên theo tỷ lệ số ghế có trong Quốc hội. Bầu cử Thượng viện nhiệm kỳ II diễn ra ngày 22/1/2007 thông qua bỏ phiếu kín và không trực tiếp (indirect), kết quả CPP giành 45/61 ghế, FUN: 10 ghế và SRP: 02 ghế.

          - Tư pháp: Hội đồng Thẩm phán tối cao (được Hiến pháp quy định, thành lập 12/1997); Toà án Tối cao và các Toà án địa phương.

          - Các đảng chính trị: Hiện nay, ở Campuchia có 57 đảng chính trị, trong đó có các Đảng lớn là: Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), Đảng Xam Rên-xy (SRP) của Xam Rên-xy, Đảng Mặt trận đoàn kết dân tộc vì một nước Campuchia độc lập, trung lập, hoà bình và thống nhất (FUNCINPEC), Đảng Nô-rô-đôm Ra-na-rit (NRP) của Hoàng thân Nô-rô-đôm Ra-na-rit tách ra từ Đảng FUNCINPEC. Đảng FUNCINPEC hiện nay do Nhiếc Bun Chay (Nhiek Bun Chhay) đứng đầu. Hiện nay, SRP của Xam Rên-xy và Đảng Nhân quyền (HRP) của Kim Xô-kha (Kim Sokha) là hai đảng đối lập chính.

III. Kinh Tế

Campuchia là nước nông nghiệp (70% dân số làm nghề nông) sống phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, có nhiều tài nguyên quý hiếm như đá quý, hồng ngọc, vàng, gỗ… Angkor Wat được xếp hạng là một trong số các kì quan nổi tiếng của thế giới.

Nông nghiệp, dệt may, du lịch và xây dựng vẫn là những trụ cột chính hiện nay của nền kinh tế Campuchia. Kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính ngân hàng của Campuchia ổn định, tiếp tục giữ được mức tăng trưởng cao trên dưới 10% năm. Lượng dự trữ ngoại tệ năm 2008 của Campuchia tăng mạnh, đạt đến 2,2 tỉ USD. Cơ sở hạ tầng tại Campuchia được cải thiện nhanh chóng. Năm 2008, nông nghiệp của Campuchia đạt 2,65 tấn/ha (năm 2005 đạt 2,5 tấn) chứng tỏ ngành này còn nhiều tiềm năng phát triển và có sức hấp dẫn lớn. Campuchia là quốc gia còn nhiều tiềm năng có thể duy trì sức cạnh tranh như tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực trẻ, nhân công giá rẻ. Việc các đối tác phát triển tiếp tục tăng ODA năm 2009 cho Campuchia (trên 950 triệu USD) trong khi khủng hoảng tài chính đang trầm trọng chứng tỏ sự tin tưởng của họ đối với Campuchia đang được củng cố.

Thị trường xuất khẩu chính của Campuchia là Mỹ, EU, Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam (hiện Việt Nam là bạn hàng lớn thứ 4 của Campuchia).

Do khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới, kinh tế Campuchia năm 2008 cũng bị ảnh hưởng: Lạm phát lên tới trên 20%, GDP năm 2008 chỉ tăng 6,7%. Năm 2009, kinh tế Campuchia có thể khó khăn hơn và có thể chỉ tăng trưởng hơn 4%.

IV. Văn Hóa

- Ẩm thực: Món ăn Khmer có ảnh hưởng ít nhiều bởi món ăn của Ấn Độ và Trung Hoa để tạo thành một thực đơn đặc trưng. Trước đây bữa ăn tối truyền thống của người Khmer là ngồi trên sàn nhà quanh 1 cái bàn thấp và nhỏ. Món cari và các món khác được bày trên bàn cùng với món bắp cải và đậu xanh, thịt rán hay thịt xiên nướng, cua hay cá. Món canh chua nóng là một phần không thể thiếu trong bữa cơm của người Khmer được nấu bằng nồi đất và đặt ở giữa bàn. Cơm được xơi ra đĩa cho mọi người, người Khmer dùng thìa hoặc đũa để gắp thức ăn vào đĩa. Mỗi người ăn có một bát canh nhỏ riêng được múc ra từ nồi. Đó là kiểu ăn uống thời xưa mà đến nay cũng không thay đổi nhiều lắm và hầu hết ở các làng quê cách ăn uống kiểu này vẫn tồn tại.

- Lễ hội: Người Campuchia thường tổ chức một lễ hội theo một chừng mực nào đó và tập trung các gia đình, bạn bè đi xa một nơi nào đó hoặc ngoài tỉnh thành là điều bình thường, lễ hội là thời gian tốt nhất để người Khmer đi chơi và mua sắm.

+ Ngày lễ hội lớn nhất trong năm là Bonn Chol Chnam Thmey ( tết đón năm mới ) vào giữa tháng 4 dương lịch. Tết là dịp để các thành viên trong gia đình xum họp và đi lễ chùa chiền. Vào thời điểm đó các chùa chiềm rất bận rộn để trang hoàng lại cổng chùa bằng hoa và lá cây dừa, các tượng phật được lau rửa sạch sẽ và mặc những bộ quần áo casa mới. Các gia đình cùng bạn bè mặc quần áo đẹp nhất đến chùa để làm lễ và cầu nguyện. Khi đi chùa họ chuẩn bị và mang theo đồ lễ cẩn thận để dâng như hoa quả, bánh kẹo, cơm, thức ăn và đồ uống. Lễ vật sẽ thay đổi tùy theo năm 12 con giáp (giống như năm con vật tương ứng 12 con giáp của Trung Hoa).

+ Ngày hội tín ngưỡng quan trọng khác là ngày Bonn Phchum Ben thường diễn ra vào khoảng gần cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 hàng năm. Theo phong tục truyền thống, mọi gia đình đều tin rằng đi lễ 7 chùa khác nhau để tỏ lòng kính trọng tổ tiên, nếu không sẽ phải gánh chịu những điều không may mắn trong năm tới.

+ Lễ hội bơi thuyền (Bonn Oum Tuk ) diễn ra từ ngày 14,15,16/11 hàng năm vào dịp trăng tròn, đây là một trong những lễ hội lớn theo phong tục truyền thống của người Khmer, báo hiệu chấm dứt mùa mưa, khởi đầu mùa khô vào chào đón sự thay đổi dòng chảy từ sông Tonlesap chảy ra sông Mêkông.

V. Phong Tục Tập Quán

Khi sinh sống ở Campuchia các bạn nên chú ý hoà nhập để tránh gây hiểu lầm và làm những việc cấm kì của người Cam

1/ Chào hỏi: người Cam không có thói quen bắt tay, đặc biệt giữa Nam và nữ. Người dân chào nhau bằng cách chắp tay và hơi cúi đầu. Càng chức vị cao thì người phải chào càng cúi thấp.

2/ Âm giọng: người Cam vốn theo phật giáo nên các bạn cố gắng hạ giọng nói nhẹ khi giao tiếp và đàm phán, không cãi nhau, lớn giọng nơi công cộng.

3/ Không khạc nhổ bừa bãi

4/ Không bấm còi xe khi đi đường nếu không quá cần thiết

5/ Khi Ăn: người Cam ăn bằng dĩa, thìa và đĩa. Không có thói quen gắp thức ăn cho nhau. Không có thói quen dùng thìa của mình lấy thức ăn chung. Mỗi bát thức ăn nên để một đồ dùng riêng để lấy thức ăn. Chén (bát con) dùng để múc canh cho mỗi người riêng. Không đưa chén bát trực tiếp lên miệng húp. Các bạn chú ý khi mời khách đến nhà ăn.

6/ Không chạm hoặc ngồi gần các nhà sư, đặc biệt là các bạn nữ. Đây là phong tục của Phật giáo bên này.

7/ Không ngồi lên mình rắn, tượng, mái chùa đền tại khu vực thờ cúng.

8/ Tặng quà: có thể tặng quà trong những ngày lễ đặc biệt như ở Việt Nam nhưng chú trọng trang trí lộng lẫy. Tặng hoa trong các dịp chào mừng, sinh nhật, ... tuỳ sự kiện.

Ngày lễ lớn có thể tặng quà bên này là: Tết tháng 4.

9/ Đi đám tang, đi chùa: mặc quần (vay) đen quá gối, áo trắng không hở ngực, hở nách. Các bạn nên sắm riêng một bộ để đi lễ này. Đám tang luôn có mời ăn. Các bạn phúng viếng tuỳ tâm và cũng nên ở lại ăn dù 1 bát cháo để chia sẻ cùng gia đình.

10/Đám cưới: tuỳ mức độ tổ chức để mừng cưới bằng tiền. Hiện tại nếu mời ở nhà hàng bình thường trong thành phố thì nên mừng tối thiểu 20usd/người.

 Thảo Uyên

 


  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập37
  • Hôm nay1,122
  • Tháng hiện tại32,745
  • Tổng lượt truy cập1,933,872
hộp thư điện tử
chào mừng đại biểu đại hội
Quân đội nhân dân
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
lịch công tác
hệ thống tiếp nhận trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
cổng thông tin điện tử tỉnh
hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân
chung tay cải cách thủ tục hành chính
văn bản chỉ đạo điều hành
bộ ngoại giao
cơ quan đại diện ngoại giao
hỏi đáp
dịch vụ công trực tuyến
cơ sở dữ liệu quốc gia
công báo tây ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây