Thực hiện Công văn số 9254/VPCP-QHQT ngày 16/12/2024 của Văn phòng Chính phủ, chiều ngày 20/12/2024, lãnh đạo UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ, và các sở, ban, ngành tỉnh đã tham dự trực tuyến Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025 nhằm tạo đà bức phá cho tăng trưởng do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cùng sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Tham dự Hội nghị, điểm cầu Trung ương tại Hà Nội có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, Trưởng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương trên toàn quốc, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp tiêu biểu, ...
Tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có sự tham dự của Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Văn Hồng - chủ trì Hội nghị, theo ủy quyền của Chủ tịch UBND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.
Mở đầu Hội nghị, sau phát biểu định hướng của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng trình bày Báo cáo tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025. Theo đó, ngoại giao kinh tế đã đã được những kết quả như sau: đóng góp tích cực vào việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về làm mới động lực tăng trưởng truyền thốn và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, bên cạnh vẫn tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, triển khai quyết liệt việc tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng; phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển; đẩy mạnh công tác tham mưu chiến lược và đề xuất chính sách phục vụ điều hành kinh tế - xã hội, bám sát yêu cầu phát triển của đất nước; tích cực thúc đẩy triển khai kết quả các chuyến thăm cấp cao, đóng góp hiệu quả thực hiện các đột phá chiến lược; tích cục hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế với tinh thần lấy người dân, địa phương, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Tiếp tục chương trình, đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, lãnh đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp tiêu biểu như Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Công nghệ CMC, Tập đoàn VINAFOOD, Tập đoàn FPT đã trình bày báo cáo tham luận về tình hình, kết quả hoạt động ngoại giao kinh tế của từng đơn vị, địa phương, một số cách làm hay trong công tác ngoại giao kinh tế và nêu một số đề xuất, kiến nghị hỗ trợ đối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Về phía các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc, UAE đã thông tin sơ lược về tình hình hình, xu hướng về chính trị, hợp tác kinh tế của các nước sở tại, các hoạt động thúc đẩy ngoại giao kinh tế thời gian qua của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trên cơ sở đó định hướng cho các địa phương trên toàn quốc, các doanh nghiệp về phương hướng, lĩnh vực hợp tác với các đối tác nước ngoài.
Về phía tỉnh Tây Ninh, xác định ngoại giao kinh tế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của công tác đối ngoại, tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách ngoại giao kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, chủ động mở rộng quan hệ hợp tác, đón tiếp, làm việc với Đoàn công tác của các nước Nhật Bản, Hàn Quốc,Trung Quốc, Singapore và tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch nhằm tìm kiếm các cơ hội, hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực, qua đó đem lại nhiều kết quả tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh như: Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt 455 triệu USD, bằng 62,5% so với cùng kỳ, gồm: cấp mới cho 31 dự án với vốn đầu tư 154,6 triệu USD (cùng kỳ: 28 dự án, vốn đăng ký 253 triệu USD); 22 lượt dự án điều chỉnh tăng vốn 318,1 triệu USD; 04 lượt dự án điều chỉnh giảm vốn 17,7 triệu USD; 02 dự án nước ngoài chuyển thành dự án trong nước với vốn đăng ký 3,2 triệu USD; 02 lượt góp vốn, mua cổ phần với vốn đăng ký 0,2 triệu USD; 09 dự án thu hồi/chấm dứt hoạt động 143 triệu USD. Lũy kế, trên địa bàn tỉnh có 386 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký 9.916 triệu USD, trong đó 247 dự án đang hoạt động với số vốn 7.932 triệu USD. Nhìn chung, các dự án đầu tư trong và ngoài nước góp phần đáng kể vào giải quyết việc làm cho lực lượng lao động tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân tại địa phương, là nguồn lực quan trọng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng cao trong thời gian qua.
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có phát biểu chỉ đạo, biểu dương các kết quả đạt được, đồng thời cũng chỉ ra những tồn tại hạn chế và bài học kinh nghiệm trong công tác ngoại giao kinh tế. Cùng với đó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương các đại sứ, đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát huy nội lực, tăng cường ngoại lực trong ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển nhanh và bền vững.