Thời gian vừa qua, công tác xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các xã biên giới của tỉnh Tây Ninh đang có những chuyển biến tích cực, đời sống của người dân có nhiều thay đổi.
Học sinh Trường tiểu học Tân Khái, xã Tân Lập, huyện Tân Biên trong giờ học.
Xã Tân Lập, huyện Tân Biên là một trong 20 xã biên giới của tỉnh Tây Ninh, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhỏ lẻ, cuộc sống khó khăn. Thế nhưng, cùng với sự đồng lòng, quyết tâm của người dân vươn lên thoát nghèo, cùng các chính sách hỗ trợ, trong đó có chương trình xây dựng NTM đã từng ngày làm thay đổi cuộc sống của người dân trên quê hương vùng căn cứ cách mạng T.Ư Cục miền Nam năm xưa.
Điểm ấn tượng nhất khi chúng tôi có dịp trở lại đây chính là hệ thống cơ sở hạ tầng ngành giáo dục đã đạt nhiều thành tựu đáng kể. Nhờ có phong trào xây dựng NTM, xã Tân Lập đã có hai trường đạt chuẩn quốc gia mức độ hai là Trường mầm non Xa Mát và Trường tiểu học Tân Lập. Đây cũng chính là hai ngôi trường đạt chuẩn mức độ hai của huyện Tân Biên. Ngay cả ở vùng sâu nhất của xã Tân Lập là ấp Tân Khai cũng có trường mầm non và trường tiểu học được đầu tư xây dựng khang trang. Hiệu trưởng Trường mầm non Tân Khai, Nghiêm Kiều Dung cho biết, dù nằm sâu ở khu vực biên giới nhưng trường được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phòng học rộng rãi, thoáng mát, trang thiết bị đầy đủ, bếp ăn hiện đại, bảo đảm vệ sinh cho nên phụ huynh rất yên tâm.
Xã Tân Lập giờ đây đã không còn cảnh bụi đường mù mịt, bởi nhiều con đường đã được trải nhựa, bê-tông hóa, tạo điều kiện đi lại cho người dân cũng như lưu thông hàng hóa. Hệ thống cơ sở vật chất về y tế, giáo dục, môi trường, nông nghiệp đã được chú trọng đầu tư để người dân yên tâm sản xuất và xây dựng quê hương. Khu dân cư Chàng Riệc cũng là mô hình được nhiều địa phương đến học tập. Hiện, 300 hộ dân tại đây đã được cấp nhà, đất ở và đất sản xuất, tạo điều kiện vay vốn, hỗ trợ chính sách để yên tâm sinh sống. Chủ tịch UBND huyện Tân Biên Đặng Văn Nghĩa cho biết, thời gian qua, huyện nỗ lực để người dân yên tâm ổn định cuộc sống cũng như tham gia gìn giữ và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Các xã Long Khánh, Long Phước, Long Thuận (huyện Bến Cầu) vừa được công nhận xã NTM. Chủ tịch UBND xã Long Thuận Nguyễn Thành Thông chia sẻ: “Bộ mặt nông thôn đã có sự chuyển biến rõ nét, trong đó, phải kể đến hệ thống cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hệ thống kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất; cơ sở vật chất về văn hóa, y tế, giáo dục đều được đầu tư xây dựng bài bản, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân”. Dù đời sống còn khó khăn, nhưng người dân Long Thuận luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, chia sẻ với chính quyền để sớm đạt được các mục tiêu xây dựng NTM. Đơn cử như ấp Long An, người dân đóng góp kinh phí và ngày công để xây dựng sáu tuyến đường, tổng chiều dài 2,5 km trị giá gần 80 triệu đồng. Ông Văn Thành Công 73 tuổi, ngụ ấp Long An, xã Long Thuận tâm sự: “Đường sá bây giờ khang trang, không còn lầy lội, bụi mù mịt như trước. Giao thông thuận tiện thì đời sống của người dân sẽ được nâng lên”.
Nhiều tuyến đường trục xã, liên xã, trục ấp đều đã được rải nhựa, trải sỏi thẳng tắp, bằng phẳng. Ngay cả những tuyến đường trục chính nội đồng cũng được người dân hiến đất để mở rộng. Các tuyến đường liên xã Long Khánh, Long Phước, Long Thuận đã được kết nối thuận tiện với thị trấn Bến Cầu để rút ngắn thời gian đi lại. Hiệu quả rõ nhất là hệ thống trạm bơm phục vụ nông nghiệp. Ðến nay, toàn huyện Bến Cầu có năm trạm bơm. Nhờ đó, một số cánh đồng ở xã Long Khánh, Long Phước, Long Thuận đã sản xuất ba vụ/năm, năng suất, chất lượng cây trồng cũng được nâng cao. Theo thống kê, đến cuối năm 2016, mức thu nhập bình quân đầu người của xã Long Thuận đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm.
Giai đoạn 2016 - 2020, Tây Ninh sẽ tập trung nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng NTM ở các xã biên giới, phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có 50 trong số 80 xã đạt chuẩn; 15 xã biên giới đạt chuẩn NTM. Với điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, người dân, chính quyền các xã biên giới cần có sự quyết tâm, nỗ lực cao hơn. Đó cũng là tinh thần mà Tây Ninh đang thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân các xã biên giới.
Nguồn: nhandan.com.vn