Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao APEC 2017

Thứ sáu - 17/11/2017 16:00 107 0

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 trả lời phỏng vấn báo chí về kết quả Năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao APEC 2017

Câu hỏi 1.Xin Phó Thủ tướng đánh giá kết quả nổi bật của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 và Năm APEC 2017 nói chung?
​ Trả lời: Chúng ta có thể khẳng định rằng, Năm APEC 2017, mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao tại Đà Nẵng, đã thành công rực rỡ toàn diện, từ khâu tổ chức, chủ trì điều hành, đến nội dung, lễ tân, cơ sở vật chất - hậu cần, văn hóa – tuyên truyền, an ninh - y tế và  trên mọi mặt về cả đa phương và song phương.  Đối với diễn đàn APEC, kết quả quan trọng nhất là APEC tiếp tục giữ vững đà hợp tác, liên kết kinh tế, phát huy vai trò là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, duy trì giá trị cốt lõi của APEC là tự do hóa thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Đây là một trong số ít Tuần lễ Cấp cao trong 10 năm qua có sự tham dự đông đủ của tất cả 21 nhà lãnh đạo APEC. Điều này thể hiện cam kết, quyết tâm chính trị của các thành viên đối với Diễn đàn và với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.  Trong toàn bộ 243 hoạt động mà nước ta tổ chức trong năm qua đã có hơn 21.000 đại biểu tham dự, riêng Tuần lễ Cấp cao là khoảng 11.000 người là con số đông đảo nhất những năm gần đây. Những con số này nói lên sự quan tâm to lớn của thế giới và khu vực đối với APEC và Tuần lễ Cấp cao. Các kết quả năm nay đã tạo nền tảng quan trọng cho hợp tác của APEC trong giai đoạn mới. Tuần lễ Cấp cao đã thông qua 8 văn kiện quan trọng, nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng và Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế. Lần đầu tiên APEC nhất trí thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, và khởi nghiệp sáng tạo. Các nhà lãnh đạo APEC cũng đã đề ra những định hướng lớn thúc đẩy hợp tác APEC đến năm 2020 và chuẩn bị tầm nhìn sau năm 2020, hướng tới một APEC vì người dân và vì doanh nghiệp; góp phần xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng; phát huy vai trò lãnh đạo của APEC trong ứng phó các thách thức mới trên toàn cầu. Theo đó, các thành viên nhất trí thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC.  Những thành tựu nổi bật và vai trò trung tâm của ASEAN được đặc biệt đề cao trong suốt cả năm qua.Lần đầu tiên các nhà lãnh đạo APEC tiến hành đối thoại  với lãnh đạo của tất cả 10 thành viên ASEAN nhằm tăng cường phối hợp trong việc thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực. Trong nhiều thời điểm thách thức, khó khăn trong năm qua, các thành viên ASEAN đã phát huy đoàn kết, thể hiện vai trò nòng cốt thúc đẩy các giá trị và đồng thuận của APEC. Câu hỏi 2. Xin Phó Thủ tướng cho biết Tuần lễ Cấp cao cũng như Năm APEC 2017 mang lại những lợi ích thiết thực nào đối với Việt Nam? Trả lời: Chúng ta đã đạt được tất cả các mục tiêu lớn đã đề ra, là nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam, tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với các nền kinh tế APEC, kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp APEC, và quảng bá tiềm năng phát triển, kinh doanh của Việt Nam. Thứ nhất, đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ và đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ 12 về đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả đối ngoại đa phương, với mục tiêu cao nhất là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.  Thứ hai, đã tận dụng hiệu quả các hoạt động của APEC trong năm qua để nâng tầm, tạo đan xen lợi ích dài hạn và đưa quan hệ với các đối tác lớn đi vào chiều sâu. Trong dịp này, đã có 2 chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc và Tổng thống Hoa Kỳ, 2 chuyến thăm chính thức của Tổng thống Chi-lê và Thủ tướng Ca-na-đa. Đây đều là những chuyến thăm mang tính lịch sử tới Việt Nam và đạt được các thỏa thuận mang tầm chiến lược, mở ra những trang mới cho quan hệ của Việt Nam với các đối tác. Đặc biệt, đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam ngay sau Đại hội Đảng, và cũng là lần đầu tiên Tổng thống Hoa Kỳ thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên lên cầm quyền. Điều đó cho thấy vị thế mới của đất nước. Bên cạnh đó, đã diễn ra trên 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc của Lãnh đạo cấp cao ta với các đối tác. Thứ ba, đã ký tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng với các đối tác có tổng trị giá gần 20 tỷ USD. Nhiều bè bạn, đối tác, trong đó có Nga, Trung Quốc, Lào, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Niu Di-lân đã các nhiều hình thức trợ giúp, với tổng trị giá khoảng 9 triệu USD, dành cho bà con ở các tỉnh miền Trung đã trải qua những mất mát do cơn bão số 12 gây ra. Đây là những sự động viên kịp thời, đầy  tình nghĩa bạn bè, tương thân tương ái. Thứ tư, đã quảng bá tiềm năng, cơ hội mới về phát triển, kinh tế, thương mại, đầu tư, dịch vụ, kết nối, du lịch của nước ta. Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC đã thu hút con số kỷ lục hơn 2.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 1.300 doanh nghiệp quốc tế. Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam có khoảng 2.200 doanh nghiệp tham dự, trong đó khoảng 850 doanh nghiệp Việt Nam. Nhân dịp các hoạt động APEC đã có hơn 80 cuộc gặp gỡ, kết nối giữa địa phương với các doanh nghiệp. Nhiều kế hoạch hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp đã được hình thành. Thứ năm, thông qua APEC, các nền kinh tế khu vực đã biết đến sự năng động và đối mới của kinh tế Việt Nam, mở ra hi vọng về làn sóng đầu tư, thương mại, du lịch mới vào Việt Nam. Các chương trình văn hóa, quảng bá Việt Nam với APEC và thế giới với Việt Nam, như Công viên APEC tại Đà Nẵng, đã cho thấy một Việt Nam giàu truyền thống và đổi mới, sáng tạo. Thứ sáu, APEC là diễn đàn đa phương lớn nhất có sự tham gia rộng rãi của các bộ, ngành và địa phương. Đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, từ trung ương đến địa phương, đã trưởng thành về năng lực điều hành, tổ chức, ngoại ngữ. APEC 2017 đã tạo cơ sở hình thành, phát triển văn hóa hội nhập phục vụ thời kỳ đổi mới đồng bộ, toàn diện và hội nhập sâu rộng của đất nước và hình thành một thế hệ mới có tình cảm với Việt Nam. Câu hỏi 3. Việt Nam đã thể hiện vai trò chủ nhà của mình như thế nào trong năm APEC 2017? Trả lời: Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và APEC năm nay có rất nhiều diễn biến phức tạp, có thể khẳng định chúng ta đã đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà, dẫn dắt hợp tác APEC trong năm nay. Một là, ta đã lựa chọn chủ đề và các ưu tiên phù hợp với quan tâm chung, định hướng cho hợp tác cả năm, thúc đẩy các nội dung hợp tác cốt lõi của APEC. Trong bối cảnh rất khó khăn của năm nay, việc ta thúc đẩy được liên kết kinh tế khu vực, tự do hóa thương mại và đầu tư, duy trì cam kết của APEC ủng hộ hệ thống thương mại đa phương là một thành công lớn. Hai là, chúng ta đã điều hòa khác biệt giữa các thành viên, tạo không khí hợp tác, xây dựng, tạo đồng thuận chung. Chúng ta tìm ra điểm đồng để định hướng thảo luận, hợp tác của các thành viên, điển hình là việc đề xuất các sáng kiến về thúc đẩy phát triển bao trùm, xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020. Đây là hai vấn đề mới, song được tất cả thành viên nhất trí thúc đẩy. Ba là, chúng ta đã thể hiện rõ bản lĩnh Việt Nam trong việc xử lý những khác biệt rất lớn giữa các thành viên, vững vàng trong những thời điểm khủng hoảng, thậm chí gần đổ vỡ trong thương lượng văn kiện. Vị thế đất nước, sức mạnh mềm của Việt Nam thực sự đã giúp chúng ta điều hành, dẫn dắt hợp tác APEC; đồng thời, thành công APEC 2017 cũng góp phần gia tăng vị thế, sức mạnh mềm của đất nước. Bốn là, dưới sự chủ trì của Việt Nam, APEC đã thông qua được rất nhiều văn kiện hợp tác. Tuyên bố chung Hội nghị Cấp cao do chúng ta chủ trì soạn thảo được các thành viên đánh giá là ngắn gọn, súc tích, mang tầm chiến lược, và có những ngôn ngữ mạnh mẽ về ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ, mà trước đó Hội nghị G-20 cũng không đạt được. Năm là, chúng ta đã làm tốt công tác tổ chức với phương châm “trọng thị, chu đáo, an toàn, hiệu quả, tiết kiệm”. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như thời tiết, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, nhưng chúng ta đã nỗ lực cao để bảo đảm Năm APEC và Tuần lễ Cấp cao diễn ra thành công, để lại ấn tượng tốt đẹp cho các nhà lãnh đạo, các đại biểu và bạn bè quốc tế.  Câu hỏi 4: Xin Phó Thủ tướng cho biết, đâu là những nguyên nhân để chúng ta tổ chức thành công xuất sắc Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cũng như các hoạt động của Năm APEC 2017? Về khách quan, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, song nhu cầu duy trì đà tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực và hợp tác APEC vẫn là mẫu số chung. Chúng ta đã đánh giá đúng nhu cầu này, khéo léo thúc đẩy tìm tiếng nói chung. Về chủ quan, có 6 nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó làchủ trương đúng đắn và vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong quyết định đăng cai Năm APEC 2017, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong vận động, chuẩn bị và tổ chức Năm APEC 2017 cũng như Tuần lễ Cấp cao. Thứ hai, vị thế, uy tín của Việt Nam sau 30 năm đổi mới và hội nhập sâu rộng cùng sự tin cậy và tình cảm quý mến của các thành viên và các lãnh đạo APEC đối với Việt Nam. Sự tham gia của tất cả các nhà lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao là minh chứng rõ nét nhất. Tại những thời điểm khó khăn nhất, bạn bè luôn tin cậy, đánh giá cao “sức mạnh mềm” của ta và hỗ trợ để đi đến thành công. Thứ ba, bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam đã giúp chúng ta có bước đi bài bản và tổng thể, xác định trúng vấn đề và thời điểm, xử lý linh hoạt các tình huống phát sinh. Từng sự kiện trong năm đều tạo điểm nhấn để vun đắp cho những kết quả quan trọng tại Hội nghị Cấp cao. Vào những thời điểm có nguy cơ đổ vỡ, chúng ta vẫn kiên cường, bản lĩnh, phối hợp với các đối tác tìm ra hướng đi phù hợp.  Thứ tư, chúng ta đã chủ động sớm chuẩn bị, thành lập bộ máy gồm các Bộ, ban, ngành, địa phương từ tháng 12/2014, kiện toàn bộ máy theo từng giai đoạn,  phù hợp với lộ trình chuẩn bị. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia APEC 2017 với năm Tiểu ban Nội dung, Lễ tân, An ninh và Y tế,  Tuyên truyền và Văn hóa, Vật chất hậu cần và Ban Thư ký quốc gia APEC 2017, đã hoạt động hiệu quả, đôn đốc sát sao và trực tiếp triển khai các công tác chuẩn bị, tổ chức trong cả năm và đặc biệt tại Tuần lễ Cấp cao. Thứ năm, tôi muốn nhấn mạnh sự đồng hành và ủng hộ của địa phương, doanh nghiệp và người dân. Tuần lễ Cấp cao APEC là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên quy mô lớn được tổ chức tại các khách sạn do các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp. Gần 40 doanh nghiệp trong nước đã tham gia tài trợ, ủng hộ Chính phủ tổ chức Năm APEC 2017, với tổng mức tài trợ gấp gần 5 lần so với APEC 2006. Cộng đồng doanh nghiệp đã chung tay tổ chức ấn tượng Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam, thể hiện sự vươn lên tầm quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như khơi dậy niềm tự hào và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế. 35 tỉnh thành trong cả nước đã tham gia, góp phần vào các hoạt động APEC, và 10 tỉnh, thành phố đã đăng cai các hoạt động APEC năm nay, đặc biệt là thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, đã phối hợp hiệu quả với Ủy ban quốc gia để tổ chức thành công các sự kiện. Nhiều nghệ nhân đã đóng góp công sức, tài năng và tiền của để tạo ra những quà tặng độc đáo và ý nghĩa. Có thể nói, lòng dân là một trong những nhân tố quyết định thành công của Năm APEC 2017. Tựu chung lại, năm nay là một năm chúng ta triển khai rất xuất sắc đường lối của Đại hội Đảng lần thứ 12 về chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại đa phương và đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta đảm nhiệm tiếp các trọng trách quốc tế lớn, nổi bật là vai trò Chủ tịchASEAN 2020 và ứng cử thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 - 2021. Trọng trách chủ nhà APEC 2017 những năm tiếp theo còn nặng nề. Chúng ta phải cùng Papua New Guinea thúc đẩy tiếp các sáng kiến của năm nay, tham gia Nhóm Tầm nhìn APEC để đóng góp cho chính sách APEC đến năm 2030. Đây cũng chính là góp phần quan trọng triển khai định hướng đối ngoại đa phương nước ta đến năm 2030, mà một trọng tâm là tham gia, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có APEC./.

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm5
  • Hôm nay1,099
  • Tháng hiện tại33,233
  • Tổng lượt truy cập1,983,378
hộp thư điện tử
chào mừng đại biểu đại hội
Quân đội nhân dân
tai lieu xuc tien dau tu
cong khai minh bach
gop y du thao
lịch công tác
hệ thống tiếp nhận trả lời kiến nghị của doanh nghiệp
cổng thông tin điện tử tỉnh
hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân
chung tay cải cách thủ tục hành chính
văn bản chỉ đạo điều hành
bộ ngoại giao
cơ quan đại diện ngoại giao
hỏi đáp
dịch vụ công trực tuyến
cơ sở dữ liệu quốc gia
công báo tây ninh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây